Cơ hội và thách thức của công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Trong những năm gần đây, số lượng các công ty sản xuất linh kiện điện tử không ngừng tăng lên. Điều này đánh dấu những bước phát triển mới của kinh tế Việt Nam và mang đến cho Việt Nam những cơ hội mới. Tuy nhiên, các Công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn của xu thế thị trường. Bài viết dưới đây giúp chúng ta nhận diện những cơ hội và thách thức của các công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam.
Cơ hội đối với công ty sản xuất linh kiện điện tử
1/ Khả năng xuất khẩu sản phẩm linh kiện điện tử của Việt Nam đang tăng cao
Việt Nam là một nền kinh tế mở và luôn tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế để phát huy hết nội lực. Từ ngày 01/2006, Việt Nam đã nhận được kết quả về về lộ trình giảm thuế đối với các mặt hàng điện tử. Không chỉ vậy, Việt Nam còn chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Và đặc biệt, gần đây Việt Nam tham gia vào một loạt Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như TPP, FTA EU-Việt Nam. Đây chính là những điều kiện thuận lợi cho các công ty sản xuất linh kiện điện tử có cơ hội đưa các sản phẩm vươn ra khu vực và thế giới. Và có thể nói khả năng xuất khẩu các sản phẩm linh kiện điện tử của Việt Nam ra nước ngoài ngày một được nâng cao. Minh chứng là, từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu. Tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng con số 30 tỷ USD. Dựa trên đặc điểm này, các công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam sẽ có thể yên tâm về thị trường đầu ra. Đây chính là một lợi thế lớn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn.
2/ Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.
Việt Nam là một quốc gia trẻ với một thị trường rộng lớn, nền kinh tế liên tục tăng trưởng khả quan, cùng với hệ thống chính trị ổn định. Những yếu tố này giúp Việt Nam ngày càng trở thành điểm thu hút đầu tư lý tưởng của các tập đoàn lớn về công nghệ trên thế giới. Trong đó không thể không kể đến các tập đoàn đa quốc gia hay các công ty sản xuất linh kiện điện tử.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khi chọn địa điểm đầu tư thường căn cứ vào hai yếu tố chính, đó là giá thuê nhân công và thuế. Và các nước đang phát triển như Việt Nam vốn đã có lợi thế về giá thuê nhân công rẻ. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia vào WTO, sẽ có thêm lợi thế về thuế suất đối với mặt hàng linh kiện điện tử. Vì vậy, sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ tăng rõ rệt. Đây cũng chính là cơ hội lớn nhất cho Việt Nam. Theo số liệu thống kê, lĩnh vực công nghiệp điện tử Việt Nam đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI. Đa phần nguồn vốn này đến từ các tên tuổi lớn như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel, Electronics, Nokia. Sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Như vậy, với 1 thị trường sôi động sẽ tạo động lực rất lớn cho các công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam. Các DN sẽ có cơ hội hợp tác, kết hợp và học hỏi kinh nghiệm để cùng nhau phát triển.
Những thách thức mà DN sản xuất linh kiện điện tử phải đối mặt
1/ Áp lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, nước đó sẽ chiến thắng trong cuộc chạy đua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lao động của Việt Nam vẫn hạn chế trong việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin. Không chỉ vậy, nhiều lao động dù đã qua đào tạo, nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu khiến người sử dụng lao động mất thời gian đào tạo lại. Như vậy, có thể nói Việt Nam chưa có được đội ngũ đủ mạnh để thích ứng với yêu cầu đi trước đón đầu công nghệ. Vấn đề này đang ngày càng đè nặng lên hệ thống đại học Việt Nam. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của các ngành CN còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy “chất xám” của các DN Việt Nam bị thu hút sang các công ty xuyên quốc gia. Đây cũng là một cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ riêng đối với các công ty sản xuất linh kiện điện tử.
>> Xem thêm: Phòng sạch điện tử là gì? Các tiêu chuẩn trong phòng sạch cần lưu ý
2/ Cơ cấu sản phẩm trong ngành đang có sự lệch pha
Hiện tại, cơ cấu các sản phẩm linh kiện điện tử đang có sự lệch pha. Trong đó, lợi thế đang nghiêng về điện tử tiêu dùng trong khi điện tử chuyên dụng lại rất ít. Tỷ lệ chênh lệch là rất lớn. Ngoài ra, ngành công nghệ phụ trợ sản xuất phụ tùng linh kiện đi theo hỗ trợ công nghiệp điện tử trong nước đang phát triển chậm và không đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất. Điều này khiến chính các nhà sản xuất quốc tế khi đầu tư vào VN thường cân nhắc. Hoặc họ cũng kéo theo các DN đầu tư công nghệ phụ trợ, hoặc nhập khẩu từ thị trường bên ngoài. Vì vậy, các nhà sản xuất linh kiện điện tử ở Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn nhất là phải cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu. Không lâu sau, thuế nhập khẩu thiết bị toàn bộ chỉ ngang bằng hoặc thấp hơn nhập linh kiện, chưa kể đến những thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định Công nghệ thông tin mở rộng. Do vậy lợi nhuận sản xuất công nghiệp còn rất thấp.
Như vậy, cũng giống như các DN đầu tư khác, các công ty sản xuất linh kiện điện tử khi vào Việt Nam đều phải đối mặt với cả những thách thức và cơ hội. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của DN và sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam, chắc chắn rằng các Công ty này sẽ tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn để tăng trưởng.