Định hướng phát triển của ngành gia công cơ khí đến năm 2025
Có thể nói, sau hơn 25 năm đổi mới thì ngành cơ khí Việt Nam đã có những cố gắng tích cực và không ngừng phát triển lớn mạnh, từng bước trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, qua đó tạo cơ sở thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho tất cả các ngành nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch cũng như phục vụ nhu cầu trong nước và bước đầu vươn ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, ngành gia công cơ khí tại nước ta vẫn còn rất nhiều những hạn chế nhất định. Công nghệ chế tạo cơ khí trong nước về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo lạc hậu, đơn giản, trình độ kỹ thuật được đánh giá là tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực. Ngoài ra, theo các số liệu báo cáo tại hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội năm 2015, tổng giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí trong năm 2014 là 26,53 tỷ USD trong khi giá trị xuất khẩu chỉ đạt 15,23 tỷ USD. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển ngành công nghiệp chủ đạo để từng bước đẩy mạnh tỉ lệ xuất siêu.
Để làm được điều này đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhà Nước trong vấn đề hoạch định chiến lược cũng như định hướng phát triển của ngành gia công cơ khí trong những năm sắp tới.
Định hướng phát triển của ngành
Về định hướng phát triển và mục tiêu tổng quát đến năm 2025 của ngành cơ khí Việt Nam, các doanh nghiệp cần tận dụng thế mạnh sẵn có của khu vực, đầu tư phát triển ngành ở những nơi có hạ tầng cơ sở tốt. Cùng với đó là từng bước hình thành các ngành hỗ trợ để phục vụ cho nhu cầu phát triển chung của ngành công nghiệp cơ khí, đồng thời hiện đại hóa các trang thiết bị hiện có, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số trong khâu thiết kế, chế tạo. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí sẽ chiếm trên 21% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng được trên 50% nhu cầu thị trường trong nước. Để làm được điều này, Nhà Nước ta cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của ngành nhằm tăng hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp cơ khí.
Không những thế, về lâu dài, định hướng phát triển tốt nhất của ngành gia công cơ khí là nên tập trung nghiên cứu và phát triển các thế hệ máy mới, cũng như chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất. Hơn thế nữa, Nhà Nước nên khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nâng cấp công nghệ ở khâu gia công cơ khí và mở rộng chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ cho những lĩnh vực đang sử dụng dây chuyền và thiết bị nhập ngoại. Cụ thể ở đây, các sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu mà ngành cơ khí Việt Nam nên được chú trọng trong thời gian sắp tới là:
- Máy động lực: Đầu tư chiều sâu, hiện đại hoá thiết bị và công nghệ CIM, phát triển ngành chế tạo máy động lực trở thành lĩnh vực công nghiệp mạnh của Việt Nam.
- Thiết bị toàn bộ: Vận dụng nhân lực và nguồn vốn để đầu tư các thiết bị và công nghệ cao CAD/CAM (Computer Aided Design/Computer Aided Manufacturing – Thiết kế/Chế tạo với sự trợ giúp của máy tính) nhằm ứng dụng vào các khâu cơ bản như: đúc, rèn, tạo phôi lớn để đồng bộ về thiết bị và công nghệ đáp ứng yêu cầu chế tạo chi tiết, cụm chi tiết lớn, phức tạp. Đặc biệt tập trung sản xuất thiết bị có độ phức tạp cao để thay thế sản phẩm nhập khẩu và từng bước xuất khẩu, nâng cao năng lực chế tạo thiết bị toàn bộ với công nghệ tiên tiến hơn hiện nay.
- Máy công cụ: Ngoài việc cố gắng kêu gọi nước ngoài đầu tư các nhà máy sản xuất máy công cụ tại khu vực, thì các cơ quan ban ngành cơ khí sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu mạnh của hai đầu đất nước để nghiên cứu thiết kế, chế tạo các mẫu máy hiện đại ứng dụng công nghệ PLC, CNC, NC và các thiết bị gia công đặc biệt.
- Máy kéo và máy nông nghiệp: Áp dụng công nghệ tạo phôi, sơn tĩnh điện, dây chuyền lắp ráp tự động để nâng cao năng suất, chất lượng.
- Cơ khí xây dựng: Đầu tư chiều sâu cho các cơ sở chế tạo máy xây dựng với thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất.
- Thiết bị điện: Phấn đấu xây dựng ngành sản xuất thiết bị điện hiện đại cho đến năm 2025 sẽ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghiệp thiết bị điện và vật liệu điện.
- Cơ khí ôtô và cơ khí giao thông vận tải: Phát triển ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới CNC, CAD/CAM kết hợp với khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị hiện có.
- Cơ khí tàu thủy: Phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam theo hướng trở thành một chuyên ngành kinh tế kỹ thuật đồng bộ từ đào tạo, nghiên cứu, thiết kế đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CIM, công nghệ PLC, CNC, NC, CAD/CAM đáp ứng nhu cầu đổi mới cơ cấu đội tàu hoạt động của khu vực Việt Nam, một phần trong nước và nước ngoài.
Với những định hướng phát triển vô cùng rõ ràng và khả quan của ngành gia công cơ khí, hy vọng trong những năm sắp tới ngành này sẽ đạt được những kết quả đáng mong đợi hơn để từng bước thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam ngày càng vững mạnh trong thời kỳ hội nhập đầy thách thức này.
By Marketing Department – Kizuna JV Corporation