Quy định của nhà nước về việc đảm bảo an toàn lao động ngành sản xuất thiết bị điện
Những lợi ích tuyệt vời cũng như sự tiện dụng mà các sản phẩm ngành thiết bị điện đem lại đã góp phần làm cho chúng trở thành một trong những vật dụng thiết yếu trong nhu cầu sống hàng ngày của con người. Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã rất chú trọng đầu tư vào lĩnh vực gia công và sản xuất thiết bị điện, với mong muốn phát triển ngành sản xuất thiết bị điện thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm ở nước ta. Điều này, đã góp phần tạo việc làm cho nguồn lao động trẻ, dồi dào tại Việt Nam. Tuy nhiên, môi trường làm việc tại các xưởng sản xuất thiết bị điện luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho con người vì phải thường xuyên tiếp xúc với những loại máy móc cũng như hóa chất độc hại. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người lao động, Nhà Nước ta đã ban hành rất nhiều quy định cũng như điều luật về an toàn lao động ngành sản xuất thiết bị điện.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin và quy định mới nhất của Nhà Nước trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động ở các lĩnh vực nói chung và ở ngành sản xuất thiết bị điện nói riêng.
1. Quy định chung về việc đảm bảo an toàn cho người lao động
a/ Đối với người sử dụng lao động
Theo Mục 2 Chương II của Luật An toàn Vệ Sinh Lao động số 84/2015/QH13 mà Quốc Hội ban hành ngày 25/06/2015, các doanh nghiệp và người sử dụng lao động phải tổ chức các buổi huấn luyện, tuyên truyền về các quy trình vận hành máy móc an toàn và những biện pháp phòng hộ đúng cách cho người lao động để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng phải trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động khi làm việc trong những môi trường có yếu tố gây hại, chẳng hạn như tiếp xúc với các hóa chất. Bên cạnh đó, Quốc Hội cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng những biện pháp xử lý và ứng cứu các sự cố kịp thời khi xảy ra tai nạn lao động.
Đối với trường hợp người lao động gặp tai nạn hoặc bị bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc thì theo Mục 2 chương III của Bộ Luật này, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm sơ cứu cũng như thanh toán tất cả những chi phí y tế, kể cả đối với người lao động không có bảo hiểm y tế. Hơn thế nữa, những doanh nghiệp này cũng phải trả đủ số lương và bồi thường cho người lao động bị tai nạn nếu không phải do chính người đó gây ra theo mức sau:
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động, và cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% – 80%.
- Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b/ Đối với người lao động
Ngoài việc các doanh nghiệp phải đảm bảo an toàn cho người lao động theo đúng quy định của Quốc Hội thì chính bản thân người lao động cũng phải thực hiện và chấp hành đúng những nguyên tắc và quy trình an toàn lao động tại nơi làm việc. Trước hết, họ phải tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện trước khi bắt đầu sử dụng và vận hành máy móc, thiết bị hoặc tiếp xúc với các loại vật liệu nguy hiểm. Đồng thời, người lao động phải tuân thủ những quy định chung khi sử dụng máy móc cũng như trang bị các biện pháp bảo hộ đầy đủ để bảo vệ tính mạng chính mình.
2. Quy định an toàn lao động ngành sản xuất thiết bị điện
Bên cạnh những quy định về an toàn lao động nói chung, Nhà Nước ta còn ban hành thêm những điều luật riêng dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực gia công và sản xuất thiết bị điện. Điều này giúp người lao động làm việc trong ngành này hạn chế những sự cố hay gặp phải cũng như tai nạn nghề nghiệp liên quan đến các thiết bị, dụng cụ điện.
Theo thông tư số 33/2015/TT_BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 27/10/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 16/01/2017, các dụng cụ và thiết bị điện phải được kiểm định kỹ thuật trước khi đưa vào vận hành, sử dụng trong quá trình sản xuất.
Quy trình kiểm định được quy định cụ thể đối với từng loại thiết bị, dụng cụ điện khác nhau, bao gồm kiểm tra các bộ phận có chức năng bảo hộ như bộ phanh hãm, điều tốc. Sau khi kết thúc quy trình kiểm định này, những thiết bị đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ được dán tem xác thực tại vị trí dễ thấy nhất. Việc kiểm tra và thẩm định các thiết bị này trước khi được vận hành nhằm mục đích đảm bảo mức độ an toàn lao động cho các công nhân làm việc trong những phân xưởng sản xuất.
Hơn thế nữa, cũng theo quy định của Bộ Công Thương, quy trình kiểm định này không chỉ được thực hiện duy nhất một lần mà được duy trì định kỳ và có kiểm tra bất ngờ để chắc chắn các loại dụng cụ, thiết bị điện không gặp các sự cố gây nguy hiểm cho người lao động. Với mong muốn phát triển hơn nữa ngành gia công và sản xuất các thiết bị điện, đảm bảo an toàn cho người lao động, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đầu tư và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại tiên tiến, Nhà nước ta đã ban hành những quy định vô cùng cần thiết và hợp lý nhằm đảm bảo lợi ích và trách nhiệm của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động.
By Marketing Department – Kizuna JV Corporation