Những hạn chế của ngành công nghiệp sản xuất giấy ở nước ta
Được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp đầy tiềm năng trong quá trình phát triển toàn diện tại nước ta, ngành công nghiệp sản xuất giấy đang được Nhà Nước cũng như rất nhiều doanh nghiệp ngày càng quan tâm và chú trọng đầu tư, với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành công nghiệp sản xuất giấy vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và hạn chế mà hiện nay chưa tìm được hướng giải quyết nào phù hợp.
1. Công nghệ và trang thiết bị lạc hậu
Khó khăn đầu tiên của ngành công nghiệp sản xuất giấy ở nước ta chính là trình độ kỹ thuật và công nghệ còn khá lạc hậu. Nếu như ở các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản,… ngành công nghiệp giấy đã được tối ưu hóa ở nhiều giai đoạn, công nhân chỉ đảm nhận trách nhiệm giám sát và giải quyết các sự cố có thể xảy ra thì tại Việt Nam, hầu hết các giai đoạn đều được thực hiện thủ công. Đội ngũ công nhân tại các khu sản xuất đều phải trực tiếp điều khiển thiết bị, dẫn đến năng suất lao động thường không cao và chỉ đạt mức trung bình thấp so với các quốc gia cùng khu vực.
Điều này cũng làm cho mẫu mã của các sản phẩm từ giấy được sản xuất tại nước ta thiếu sự đa dạng. Chủ yếu sản phẩm chính là giấy in và bao bì, còn những sản phẩm khác vẫn phải nhập khẩu từ các nước. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất giấy của nước ta khó lòng cạnh tranh được với các nước trong khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Chính vì vậy, việc đầu tư vào cải thiện công nghệ cùng với trang thiết bị, máy móc là điều vô cùng cần thiết đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất giấy.
2. Sự mất cân bằng của hàng hóa xuất – nhập khẩu
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, chỉ trong 15 ngày đầu của tháng 8 năm 2016, tổng giá trị nhập khẩu giấy và các sản phẩm từ giấy đã đạt gần 95 triệu USD, trong khi đó tổng giá trị xuất khẩu chỉ ở mức 19 triệu USD, đây quả thật là một sự chênh lệch quá lớn mà nước ta cần đưa ra hướng giải quyết kịp thời để hạn chế mức độ gia tăng nhập siêu này. Không những thế, nhiều doanh nghiệp ngành công nghiệp giấy còn cho biết, sự chênh lệch này sẽ ngày càng thể hiện rõ rệt hơn nữa khi các Hiệp định Thương mại Tự do được ký kết vì khi đó thuế nhập khẩu từ các nước sẽ chỉ còn 0%.
Do đó, để giải quyết được vấn đề trên, Nhà Nước cần có những chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp đổ vốn đầu tư vào ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đủ sức cạnh tranh với các nước trong cùng khu vực và gia tăng giá trị xuất khẩu cũng là điều các doanh nghiệp cần thực hiện ngay từ bây giờ.
3. Sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất giấy
Phát biểu trong báo cáo mới nhất của mình, ông Vũ Ngọc Bảo – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, trong tổng số các nguồn nguyên liệu sản xuất giấy thì có tới 70% đến từ giấy loại (loại giấy đã qua sử dụng). Tuy nhiên, gần 50% số nguyên liệu này phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, 50% còn lại là từ việc thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng của những đơn vị thu gom nhỏ, lẻ do chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra đảm nhận công việc này. Như vậy rõ ràng ngành công nghiệp sản xuất giấy vẫn đang bị lệ thuộc quá nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu.
Mặt khác, có một nghịch lý đang tồn đọng trong ngành công nghiệp giấy tại nước ta đó là giá trị xuất khẩu dăm gỗ khá cao, trong khi năng lực cung ứng bột giấy lại chưa đạt một nửa nhu cầu sản xuất giấy nội địa, nên việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài là điều khó tránh khỏi.
Chính vì lẽ đó, không ít doanh nghiệp ngành giấy đã có kiến nghị Nhà Nước nên ban hành những chính sách khuyến khích việc thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng cho các tổ chức, đơn vị thực hiện bằng cách giảm thuế, miễn thuế nhằm gia tăng khả năng phân phối, sản xuất giấy loại – nguồn nguyên liệu chính trong ngành công nghiệp giấy.
4. Trình độ quản lý còn thấp
Ở các khu công nghiệp Việt Nam, không chỉ riêng ngành công nghiệp giấy mà hầu hết các ngành công nghiệp đều có sự phân công lao động khá cồng kềnh và không hợp lý, dẫn đến hiệu quả lao động không cao. Nhìn lại các nước trong cùng khu vực, đơn cử như tại Indonesia, một nhà xưởng sản xuất khoảng 500.000 tấn bột giấy mỗi năm; hay ở Thái Lan, một nhà xưởng công nghiệp có công suất 160.000 tấn/năm nhưng số lượng nhân viên của những nhà xưởng tiêu chuẩn này cũng chỉ ở mức vài trăm người. Thế nhưng tại nước ta, điển hình là công ty giấy Bãi Bằng, sản lượng mỗi năm chỉ vào khoảng 50,000 tấn nhưng lại cần tới mấy ngàn công nhân để hoàn thành công việc. Một sự chênh lệch quá lớn so với các nước bạn càng chứng tỏ rằng trình độ quản lý nước ta còn rất kém. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước phải chịu một khoảng chi phí tiền lương và quản lý khá cao, khiến giá thành sản phẩm tăng lên một cách đáng kể. Đây quả là một điều đáng lo ngại khi ngành công nghiệp giấy tại nước ta đang phải cạnh tranh với rất nhiều quốc gia trong khu vực.
Cách giải quyết tối ưu cho vấn đề này là mỗi doanh nghiệp nên thực hiện lại công tác quản lý của mình sao cho hợp lý và đạt hiệu quả lao động tốt nhất, từ đó giúp nâng cao năng suất làm việc và giảm được những chi phí không đáng có.
Hy vọng trong tương lai không xa, ngành công nghiệp sản xuất giấy đầy tiềm năng của nước ta sẽ đạt được những kết quả đáng mong đợi hơn nữa để góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam ngày càng vững mạnh và toàn diện.
By Marketing Department – Kizuna JV Corporation
Các chủ đề khác được quan tâm:
Nhà xưởng tiêu chuẩn GMP - Cho thuê nhà xưởng 1000m2 - Nhà xưởng khu công nghiệp - Thuê xưởng may - Giá thuê nhà xưởng khu công nghiệp - Cho thuê xưởng