Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2015
Thông tin về những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2015
1. Từ 1/7, DN được tự quyết định con dấu
Theo Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13, từ 1/7, doanh nghiệp được tự quyết định hình thức, số lượng, nội dung con dấu và phải thông báo mẫu dấu với Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi sử dụng.
Cũng từ thời điểm này, doanh nghiệp sẽ không phải cung cấp mã ngành khi đăng ký kinh doanh; số lượng ngành nghề hoạt động cũng không bị hạn chế. Đồng thời, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp; công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có 1 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, trong đó, bắt buộc phải có tối thiểu 1 người cư trú tại Việt Nam.
2. Tăng vốn pháp định của DN kinh doanh bất động sản lên 20 tỷ đồng
Từ 1/7, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng thay vì mức 06 tỷ đồng như trước. Đây là nội dung mới của Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13.
Luật này cũng quy định chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đối với khách hàng, trong trường hợp không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Ngoài ra, Luật cho phép cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề; có trình độ tốt nghiệp THPT trở lên; đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định.
3. Dự án đầu tư trong nước không phải đăng ký đầu tư
Nếu như trước đây, chỉ các dự án đầu tư trong nước có quy mô dưới 15 tỷ đồng và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện mới không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư, thì từ 1/7, theo Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, tất cả các dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không còn phải làm thủ tục này.
Yêu cầu về việc làm thủ tục đăng ký đầu tư sẽ chỉ đặt ra đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và của các tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài…
4. Tiếp tục cấp Giấy phép NK tự động với một số sản phẩm thép
Trước đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 17/2014/TT-BCT bãi bỏ Thông tư 23/2012/TT-BCT về việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép. Tuy nhiên, từ 26/7, một số sản phẩm thép sẽ tiếp tục được áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động theo quy định của Thông tư số 12/2015/TT-BCT.
Giấy phép này được cấp cho thương nhân nhập khẩu dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng và có giá trị thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương xác nhận. Đặc biệt, trong lần đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động lần đầu tiên, thương nhân phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan cấp Giấy phép. Giấy phép nhập khẩu tự động sẽ được cấp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
5. Hướng dẫn lập báo cáo tài chính năm 2015
Theo Thông tư số 75/2015/TT-BTC ngày 18/05/2015 sửa đổi, bổ sung về chế độ kế toán doanh nghiệp (DN), các DN thuộc đối tượng phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ (báo cáo tài chính quý và bán niên) được lựa chọn lập báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2015 theo quy định tại Quyết định số 15/2016/QĐ-BTC ngày 20/3/2006. Riêng báo cáo tài chính của năm 2015 phải tuân theo quy định của Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014.
Tương tự như quy định trước đây, Thông tư cũng quy định trước khi Chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán công cụ tài chính được ban hành, khuyến khích đơn vị trình bày và thuyết minh về công cụ tài chính theo quy định của Thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 06/11/2009 của Bộ Tài chính. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/07/2015.
(Nguồn: Luatvietnam)