Những khó khăn thường gặp của Doanh Nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam
Gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Các doanh nghiệp này đang tự bươn chải trên thị trường. Chính vì thế, đôi khi họ cũng cảm thấy chới với khi thị trường đang thay đổi quá nhanh.
> 7 Ý tưởng kinh doanh phù hợp mô hình nhà xưởng nhỏ
> TOP 5 khu công nghiệp Việt Nam lớn nhất 2020, được DN tin tưởng
> Áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại sẽ đem lại lợi ích gì?
Các khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sự chung sức tháo gỡ của cả nhà nước lẫn tư nhân.
Mất sức vì đóng nhiều vai, chính là thực trạng đáng lưu ý của SME. Thông tin này được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Các trợ lực giúp SMEs sản xuất tăng tốc trong thời đại số" sáng 3/10.
Mở đầu hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch VCCI TP.HCM phác họa bức tranh các SME Việt Nam khá bấp bênh. Bức tranh chung về các SME qua điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy 77% là doanh nghiệp siêu nhỏ; 69% doanh nghiệp nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh. Đáng chú ý là các doanh nghiệp vẫn quanh quẩn ở thị trường nội địa. Chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, doanh nghiệp từ nước ngoài.
Báo cáo chỉ ra các doanh nghiệp càng nhỏ càng khó tiếp cận nguồn vốn; thủ tục và điều kiện vay càng khó khăn; Doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng khó tiếp cận đất đai, khó vào khu công nghiệp do không đáp ứng được các điều kiện. Ngoài ra các SME còn gặp các rào cản khác như: tuyển dụng nhân sự, thanh kiểm tra, thủ tục hành chính, các chi phí không chính thức…
Bổ sung cho nhận định này, bà Trần Liên Phương, Giám đốc nghiên cứu công ty Insight Asia cho rằng các chủ doanh nghiệp đang quá tải khi phải đối mặt với muôn vàn việc lớn nhỏ, kể cả việc không thuộc chuyên môn của họ. Dễ hình dung nhất là họ vừa đóng vai trò chủ doanh nghiệp (lo chuyện sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường…), vừa kiêm thêm vai trò người “chị nuôi” (tìm kiếm chỗ ở, cơm nước, đưa rước cho công nhân), vai trò trinh sát (nghe ngóng, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, thủ tục giấy phép từ các cơ quan chức năng…). Chính điều này làm doanh nghiệp vô cùng “mất sức”.
Những khó khăn lớn mà doanh nghiệp thường gặp.
Theo đó, các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là: nguồn vốn (62%), nguồn khách hàng (60%), nhà xưởng (55%), pháp lý (45%), nguồn nhân lực...
Phân tích kỹ hơn, báo cáo nói rằng các doanh nghiệp đã sử dụng hầu hết nguồn lực cho đầu tư nhà xưởng, thiết bị máy móc ban đầu. Do vậy doanh nghiệp không còn rất ít “lực” để triển khai những hoạt động khác. Vì thế họ rất cần sự đầu tư, hỗ trợ từ ngân hàng và các chính sách hỗ trợ từ nhà nước để giúp giảm bớt "gánh nặng" đầu tư ban đầu, cũng như rất cần những "bà đỡ" (các mô hình nhà xưởng tiêu chuẩn dịch vụ chuyên biệt) để họ yên tâm tập trung sản xuất và vận hành kinh doanh.
Từ những khó khăn này dẫn đến các SME hầu như rất khó khi cần mở rộng quy mô, thay đổi thiết bị, công nghệ, cải tiến kỹ thuật và một vòng lẩn quẩn các khó khăn cứ tiếp tục chồng chất.
Trong bối cảnh đó, ông Đỗ Khắc Cương – Giám đốc quốc gia phụ trách khối doanh nghiệp nhỏ và vừa Microsoft Việt Nam nói rằng ông rất chia sẻ với những tâm tư của các doanh nghiệp. Theo ông Cương, các SME cũng cần mạnh dạn thay đổi suy nghĩ trong việc thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi số để tạo đà bức phá trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay.
Công nghệ ngày càng rẻ hơn.
Ông Cương dẫn chứng hiện tại công nghệ mới đã và đang có giá rẻ hơn so với nhiều năm trước, giúp doanh nghiệp không phải đầu tư quá nhiều. Theo quan điểm của Microsoft, việc chuyển đổi số không phải là điều gì quá cao siêu mà nó sẽ giúp các SME tập trung ở 4 hình thức chính: quan hệ với khách hàng (tiếp cận với khách hàng sâu hơn, hiểu rõ khách hàng cần gì, mong muốn gì để đáp ứng); chuyển đổi, cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường và cạnh tranh hơn; tăng sự trao quyền cho nhân viên, tăng năng suất người lao động; tối ưu hóa hoạt động doanh nghiệp.
Tại hội thảo các doanh nghiệp và diễn giả đều đồng ý rằng nhiều SME đang gặp rất nhiều khó khăn. Để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển thì vấn đề tiên quyết là bản thân doanh nghiệp phải tự mình thay đổi, luôn cập nhật thông tin, kiến thức mới, chủ động thay đổi công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bà Lâm Diệu Tâm Hiếu, Phó tổng giám đốc Kizuna và là chuyên gia phát triển dự án bất động sản khu công nghiệp nói rằng trong nhiều năm qua, doanh nghiệp của bà đã rất thành công trong việc tạo ra mô hình khu công nghiệp xây sẵn có đội ngũ nhân viên chuyên môn phục vụ tất cả các khâu thủ tục thiết yếu cho doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp vào KCN Kizuna được cung cấp, hỗ trợ tất cả các dịch vụ đăng ký, giấy phép, thủ tục pháp lý, đảm bảo điều kiện an toàn sản xuất… và họ chỉ tập trung sản xuất kinh doanh và hoạt động rất hiệu quả. Bà Hiếu mong muốn mô hình này sẽ được nhiều khu công nghiệp khác áp dụng để giảm bớt khó khăn ban đầu cho doanh nghiệp cũng như giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp khi phải đầu tư quá lớn cho nhà xưởng, đất đai.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Liêm đưa ra kiến nghị với chính phủ gồm: thiết kế các chính sách hỗ trợ cho SME phù hợp với các giai đoạn phát triển như hỗ trợ tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ thủ tục pháp lý. Ngoài ra ông nhấn mạnh cần phải nâng cao hiệu quả thông tin về chính sách, pháp luật; cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh; Cơ quan chính quyền địa phương cần phải rút khỏi việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp mà nên giao lại cho các hiệp hội doanh nghiệp và khu vực tư nhân.
“Đặc biệt trong thời đại 4.0 hiện nay, canh tranh khốc liệt thì các doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ để không bị thụt lùi. Nếu sử dụng hình thức sản xuất cũ, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại được”, ông Liêm nhấn mạnh.
Cuối buổi hội thảo, dưới sáng kiến của Kizuna, nhiều doanh nghiệp như Kizuna, Microsoft, ngân hàng Nam Á, Công ty Đông Á Solution, Richard Moore Associates, Keigan Vietnam đã tự nguyện đóng góp trực tiếp, đưa ra gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Theo đó các SME khi có nhu cầu, có thể liên hệ với Ban tổ chức (Thời báo Kinh tế Saigon và Công ty Kizuna) để nhận được các gói hỗ trợ về tư vấn, đầu tư công nghệ, tư vấn nhân sự, tư vấn kế hoạch xây dựng nhà xưởng, tư vấn thương hiệu, mua sắm đổi mới công nghệ, tư vấn vay vốn ngân hàng… Đây cũng là một tín hiệu cho thấy nếu có sự đồng lòng chung sức của nhiều phía, cả nhà nước lẫn tư nhân, bức tranh doanh nghiệp SME sẽ có nhiều chuyển đổi theo hướng tốt hơn.
Theo baodoanhnhantre