Tổng kết tình hình đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong Q1-2017
Trong Quý I năm 2017, tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016 (theo Cục Đầu tư nước ngoài 2017). Tính đến ngày 20/3/2017, cả nước có 493 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,917 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206,4 % so với cùng kỳ. Hãy cùng tìm hiểu thêm chi tiết về tỷ trọng trong lĩnh vực đầu tư, đối tác đầu tư theo quốc gia cũng như địa điểm nhân được nhiều vốn đầu tư qua các phần phân tích dưới đây.
Lĩnh vực đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vững vị trí là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn là 6,54 tỷ USD, chiếm đến 84,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư là 343,69 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 296,8 triệu USD, chiếm 3,85% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đối tác đầu tư
Có 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 3,74 tỷ USD, chiếm 48,61% tổng vốn đầu tư. Kết quả này cũng rất dễ hiểu bởi từ đầu năm nay, rất nhiều dự án đầu tư lớn bởi các công ty Hàn Quốc đã được chấp thuận, trong đó phải kể đến dự án mở rộng nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam ở Bắc Ninh với vốn đầu tư tăng thêm 2,5 tỷ USD. Singapore là quốc gia đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 910,8 triệu USD, chiếm 11,81% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký là 823,6 triệu USD, chiếm 10,68% tổng vốn đầu tư.
Địa điểm đầu tư
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh thành phố trong cả nước, trong đó Bắc Ninh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,61 tỷ USD, chiếm 33,86% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký là 1,39 tỷ USD, chiếm 18,04% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký gần 600 triệu USD chiếm 7,78% tổng vốn đầu tư.
Qua những số liệu trên, ta có thể thấy rằng Việt Nam đang là một địa điểm thu hút đầu tư FDI . Trong thời gian tới, với những chính sách mở cửa và những hiệp định thương mại đã và đang ký với các đối tác, Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mới cũng như các DN muốn chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu.
Theo P. Marketing – Kizuna JV Corporation
Nguồn: http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5247/Tinh-hinh-thu-hut-Dau-tu-nuoc-ngoai-Quy-I-nam-2017