Tăng lương tối thiểu vùng lên 3,5 triệu/tháng từ 2016
Từ 2016, lương tối thiểu vùng tăng thêm 250.000-400.000 đồng/tháng lên 2,4 triệu-3,5 triệu đồng/tháng tùy từng khu vực là nội dung nổi bật được quy định tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ.
Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng 3.500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Vùng II là 3.100.000 đồng/tháng; Vùng III là 2.700.000 đồng/tháng; Vùng IV là 2.400.000 đồng/tháng.
Mức lương này làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương; trong đó, mức lương trả cho người lao động chưa qua đào tạo, làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, và phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua học nghề.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.
Ngoài ra, liên quan đến tiền lương còn có chính sách Bỏ quy định trả lương ngay trong tháng làm việc cho NLĐ như sau:
Theo quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động… chính thức bỏ quy định phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động (NLĐ). Như vậy, từ năm 2016, NLĐ hưởng lương tháng sẽ được trả tháng 01 lần hoặc nửa tháng 01 lần.
Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc hoặc mất việc làm; trường hợp NLĐ ký nhiều hợp đồng lao động kế tiếp tại 01 doanh nghiệp thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc theo các hợp đồng lao động.
Thông tư quy định cũng rõ không xử lý kỷ luật với người lao động nuôi con đẻ, con nuôi, nuôi đứa trẻ mang thai hộ dưới 12 tháng tuổi.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Nguồn: luatvietnam.vn