Làn sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc và Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam
Sau khi dịch Covid-19 làm tê liệt các chuỗi cung ứng thế giới, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp toàn cầu, các nhà đầu tư quyết tâm rút khỏi “công xưởng” Trung Quốc và đây lại là cơ hội lớn của Việt Nam nói chung và các nhà xưởng khu công nghiệp ở khu công nghiệp Việt Nam nói riêng. Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định: “Đây là cơ hội để Việt Nam có chính sách thu hút các nhà đầu tư đang có ý định thu hẹp sản xuất ở nước láng giềng và đầu tư vào Việt Nam”. Và đây chính là cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia đón đầu sản xuất nguyên vật liệu cũng như công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp FDI hối hả dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Wistron, một trong những đối tác sản xuất hàng cho Apple, mới đây cho biết sẽ chuyển 50% công suất sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong vòng 1 năm. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rủi ro rất lớn của các nhà đầu tư theo chiến lược “bỏ tất cả trứng vào một rổ” và tuyên bố của Wistron là một ví dụ điển hình cho việc sửa sai này.
Năm ngoái, báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ cho biết khoảng 1/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư vào Trung Quốc. 40% doanh nghiệp cho hay sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, dự kiến đến các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc là do Trung Quốc đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao, giảm các ngành sản xuất giá trị thấp, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, các xu hướng chính sách cũng như chi phí hoạt động đều sẽ không còn phù hợp với nhiều công ty FDI.
Một báo cáo nghiên cứu được công bố bởi FED San Francisco hồi đầu tháng 4 cho biết hậu quả của đại dịch có ý nghĩa tích cực đối với Việt Nam, tiền lương ở các nước có xu hướng gia tăng sau đại dịch. Điều này sẽ khuyến khích các công ty sản xuất phải di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam và Đông Nam Á thay vì chuyển về Mỹ.
Cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam
Theo dự báo hồi đầu năm của Tổng cục Thống kê, nếu không có dịch COVID-19, dự kiến cả năm Việt Nam sẽ thu hút được 39,6 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng khi có dịch bệnh, câu chuyện sẽ khác. Nếu dịch kết thúc trong quý I, con số dự kiến giảm xuống còn 38,6 tỉ USD. Nếu dịch kết thúc vào quý II, cả năm sẽ chỉ thu hút được 38,2 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Điểm tích cực là ở cả 2 kịch bản trên, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn tăng so với con số 38,02 tỉ USD đạt được trong năm 2019. Quý I, Việt Nam cũng đã thu hút được trên 5,3 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Về dài hạn, theo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Việt Nam vẫn sẽ duy trì thu hút FDI nhờ lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp, nền kinh tế vĩ mô ổn định và chất lượng môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Về chi phí hoạt động, có thể thấy chi phí hoạt động ở Việt Nam so với các nước ASEAN khác là hấp dẫn hơn rất nhiều. Ngược lại, đối với lợi nhuận khi thu về công ty mẹ, họ cũng muốn nhận về USD nên nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới rủi ro tỉ giá, đặc biệt trong môi trường đồng USD tăng mạnh như hiện nay, các đồng tiền mới nổi được xếp vào hàng rủi ro dễ mất giá.
Trong khi đó, đồng tiền của Việt Nam cũng là một trong những đồng tiền hiếm hoi giữ giá ổn định so với USD. Điều này đã được chứng minh qua 2 lần đồng USD dậy sóng khiến đồng tiền các thị trường mới nổi - đang phát triển mất giá nặng nề, đó là chiến tranh thương mại năm 2018 và khi dịch COVID-19 lây lan từ đầu năm đến nay. Theo các nhà phân tích, những công cụ hỗ trợ vẫn còn nhiều dư địa để giữ ổn định tỉ giá. Điều này làm an tâm các tập đoàn lớn khi họ quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Thêm vào đó, Việt Nam nhiều năm nay đã tham gia đàm phán thành công và ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, khu vực. Đây là một điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam có hoạt động giao thương quốc tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ.
Theo Nhipcaudautu
(https://nhipcaudautu.vn/magazine/tap-chi-so-ra-677-3334582)