Thị trường sản phẩm nhựa Việt Nam – nhiều tiềm năng nhưng cũng lắm thách thức
Song song với sự khởi động trở lại của thị trường bất động sản Việt Nam trong những năm gần đây, thị trường sản xuất các sản phẩm nhựa tại nước ta cũng dần có nhiều tiềm năng để phát triển. Có thể lý giải rằng, khi bất động sản lên ngôi thì cũng là lúc ngành xây dựng trong nước ấm lên và kéo theo đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, vật dụng từ nhựa cũng tăng lên một cách đáng kể. Điều này đã góp phần tạo điều kiện cho ngành gia công sản phẩm nhựa tăng trưởng mạnh. Song bên cạnh những tiềm năng phát triển, thị trường sản phẩm nhựa ở nước ta vẫn tồn tại không ít những thách thức đang còn phải đối mặt.
Tiềm năng trong nước và cơ hội vươn ra thị trường thế giới
Tiềm năng phát triển trong nước
Hoạt động sản xuất nhựa ở nước ta đã dần trở nên sôi động hơn và có xu hướng phát triển tích cực kể từ nửa đầu năm 2015. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp đối với ngành gia công các sản phẩm nhựa trong năm 2015 đã tăng 12,6% so với năm 2014; chỉ tính riêng các sản phẩm từ cao su và plastic thì con số này cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, ở mức 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt đối với ngành xây dựng, ống nhựa và thanh nhựa profile hiện đang là hai dòng sản phẩm được sử dụng chủ yếu để thay thế cho các loại vật liệu khác như gỗ, sắt, thép trong hệ thống cửa. Ông Phạm Văn Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho biết, có đến 80 – 90% các công trình xây dựng hiện nay sử dụng cửa nhựa, và chỉ có 10 – 20% là dùng vật liệu gỗ. Do đó, những sản phẩm thanh nhựa uPVC profile phủ lớp giả gỗ chắc chắn sẽ ngày càng được thị trường ưa chuộng hơn, bởi giá thành cạnh tranh, mẫu mã đẹp cũng như chất lượng tương xứng.
Cơ hội vươn ra thị trường thế giới
Xu hướng của thế giới hiện nay là sử dụng những sản phẩm làm bằng nhựa thân thiện với môi trường, và ngành gia công sản phẩm nhựa Việt Nam đang dần đáp ứng được yêu cầu đó. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến thời điểm năm 2017 này, các sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất sang thị trường nước ngoài trong quí I/2017 đã tăng 11% so với năm 2016, thu về hơn 567 triệu USD. Hơn thế nữa, các nước nhập khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam cũng đánh giá cao về chất lượng và lợi ích về thuế quan khi Việt Nam đã và đang gia nhập hầu hết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đây có thể xem là điều kiện vô cùng thuận lợi để ngành nhựa Việt Nam tăng khả năng mở rộng ra thị trường thế giới.
Thế nhưng, thách thức lại không hề nhỏ…
Sức ép từ các đối thủ cạnh tranh ngoại trên thị trường
Trong khi nhựa xây dựng được sự hỗ trợ tăng trưởng từ lĩnh vực bất động sản và xây dựng, nhựa tái chế được đánh giá là xu hướng phát triển mới trong tương lai, hứa hẹn mang về nhiều lợi nhuận thì nhựa gia dụng lại đang phải chịu sức nhiều sức ép. Nghĩa là, công nghệ sản xuất còn thấp nên dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều, tiềm lực tài chính còn hạn chế nên các doanh nghiệp sản xuất nhựa gia dụng lại đang tỏ ra khá lép vế so với các đối thủ cạnh tranh ngoại nhập. Vậy nên, bài toán hiện nay của các doanh nghiệp nhựa nội địa chính là phải cải tiến công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, dịch vụ quảng cáo cũng phải được nâng cao để sản phẩm trong nước đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm ngoại.
Nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng
Không chỉ mang nặng sức ép cạnh tranh, thị trường sản phẩm nhựa Việt Nam còn gặp khó khăn trong khâu nhập liệu nguyên liệu phục vụ sản xuất và tìm kiếm thị trường xuất khẩu, khi mà nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa gia tăng, dẫn đến việc nguồn cung trong nước không đủ và phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện mỗi năm ngành sản xuất sản phẩm nhựa cần 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào chưa kể hàng trăm hóa chất phụ trợ khác trong khi khả năng trong nước chỉ đáp ứng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hóa chất phụ gia cho nhu cầu. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi việc nhập khẩu nguyên liệu đang là nguyên nhân chính khiến giá thành sản phẩm nhựa nước ta khó lòng cạnh tranh với các nước trong cùng khu vực. Chính vì vậy, Nhà Nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ bằng cách giảm mức thuế nhập khẩu nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Tuy còn đó những khó khăn và thách thức đang phải đối mặt, nhưng chắc chắn ngành gia công sản phẩm nhựa tại nước ta vẫn sẽ có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển trong tương lai.
By Marketing Department – Kizuna JV Corporation